Nám da và những điều cần biết (Phần 3)
Mục Lục
Điều trị nám da
Muốn điều trị nám da an toàn và hiệu quả, chúng ta cần phải tập trung làm giảm sự hình thành sắc tố melanin, giảm thiểu lượng melanin tập trung tại phân bố tại một điểm. Phương thức phổ biến và hiệu quả nhất là ức chế hoạt động của enzyme tyrosinase.
Một số phương pháp được sử dụng phổ biến như:
- Sử dụng thuốc được bác sĩ kê toa.
- Sử dụng mỹ phẩm có các hoạt chất hỗ trợ làm trắng da, mờ vết thâm nám.
- Tẩy tế bào chết cho da, làm giảm lượng melanin tập trung ở lớp tế bào sừng.
- Sử dụng liệu pháp laser.
Sự hình thành melanin là một cơ chế bảo vệ của da, vì vậy chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn sự hình thành của chúng trên da được. Khi lượng melanin suy giảm quá mức, da dễ bị tổn thương, có thể gây ung thư da, thậm chí còn gây ra một số bệnh giảm sắc tố như bạch biến.
Dưới đây chúng ta chỉ thảo luận về một số hoạt chất dưỡng trắng, hỗ trợ trị nám thường được sử dụng.
Một số hoạt chất hỗ trợ trị nám
Các hoạt chất này thường được sử dụng để ức chế hoạt động của enzyme tyronase.
Hydroquinone
Hydroquinone còn được gọi là dihydroxybenzen, là một hợp chất hydroxyphenolic có cấu trúc tương tự với tiền chất của melanin. Trước đây, Hydroquinone từng được xem là lựa chọn hàng đầu trong điều trị bệnh nám, tàn nhang, đặc biệt là các trường hợp nám ở biểu bì… nhờ khả năng làm mất sắc tố gây đậm màu trên da. Tuy nhiên, nó lại gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Hydroquinone sẽ ức chế quá trình chuyển đổi enzym DOPA (Dihydroxyphenylalanine) thành melanin bằng cách ức chế enzyme tyrosinase. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Hydroquinone không chỉ tác động đến sự hình thành quá trình melanin hóa và làm mất các hạt melanin mà còn tác động lên cấu trúc màng tế bào melanin, thậm chí là tiêu diệt các tế bào này.
Tuy có khả năng điều trị nám hiệu quả, nhưng Hydroquinone lại gây ra rất nhiều tác dụng phụ như châm chích, ban đỏ, viêm da, kích ứng, dị ứng; gây tác dụng ngược làm tăng kích thước vùng nám. Trong trường hợp nghiêm trọng, còn gây ra hội chứng biến đổi màu da “onchronosis”, có biểu hiện là xuất hiện từng mảng da bị nhăn nheo, và có màu từ xanh đến đen.
Ngoài ra, có một vấn đề đáng lo ngại khác, việc hydroquinone có thể làm gây ra hội chứng giảm sắc tố và tạo những đốm trắng trên da. Là một dẫn xuất của benzene, hydroquinone có nguy cơ gây đột biến, ung thư tiềm ẩn.
Hiện nay, Hydroquinone đã bị cấm sử dụng tại các nước thuộc Liên minh châu Âu EU và Nhật Bản.
Arbutin
Abutin (4 – hydroxyphenyl – D – glucopyranoside) được xem là một dạng của hydroquinone, tuy nhiên trong phân tử có chứa thêm glucose, là một sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên được sử dụng trong điều trị rối loạn tăng sắc tố.
Arbutin tồn tại ở hai dạng, là alpha và beta. Dạng alpha sẽ có mức ổn định cao hơn, có tác dụng cao hơn so với dạng beta. Trong tự nhiên, Alpha Arbutin được tìm thấy ở cây Bearberry, lúa mì, lá của quả việt quất và nam việt quất.
Alpha Arbutin có cơ chế hoạt động thông qua quá trình giải phóng có kiểm soát gây ức chế quá trình oxy hóa của L-tyrosine được xúc tác bởi men tyrosinase và chống lại hoạt động liên kết trong tyrosinase. Thay vì tiêu diệt các tế bào Melanocytes, Arbutin lại giúp ức chế các enzyme sản sinh ra melanin trong tế bào mang lại hiệu quả trắng da, làm mờ vết thâm nám, và không có các tác dụng phụ không mong muốn như Hydroquinone.
Cũng bởi vì quá trình giải phóng thủy phân glucoside diễn ra chậm rãi nên Arbutin vì thế cũng ít gây kích ứng hơn, không làm hại da.
Acid kojic
Acid kojic (5 – hydroxy – 2 – hydroxymethyl – 4 – pyrone) có nguồn gốc từ nấm và quá trình lên men gạo. Axit kojic giúp làm sáng da, loại bỏ các đốm nâu và tàn nhang bằng cách ngăn chặn enzyme đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất melanin, ức chế sự hình thành sắc tố da, phòng ngừa sự xuất hiện nám
Acid kojic là một thành phần giúp làm sáng da, mờ vết thâm nám hiệu quả. Tuy nhiên vẫn có một số tác dụng phụ như châm chích, đỏ, ngứa, kích ứng da. Có một số báo cáo cho rằng, sử dụng acid kojic trong thời gian dài có thể làm cho da bị mỏng hơn.
Vitamin C (acid ascorbic)
Axit ascorbic có tác dụng làm sáng da, mờ vết thâm, nám da hiệu quả, nhưng hầu như không có tác dụng phụ. Vitamin C giúp giảm sự sản sinh sắc tố melanin bằng cách giảm sự tạo thành DOPA.
Việc điều trị nám cần kiên trì trong thời gian dài, kết hợp nhiều biện pháp khác nhau, đặc biệt là với trường hợp nám chân sâu. Ngoài ra, trong và sau quá trình điều trị nám, cần có các biện pháp chống nắng, bảo vệ da, kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dưỡng chất, giữ tinh thần thoải mái, tránh stress. Để quá trình điều trị hiệu quả hơn và hạn chế sự tái phát nám da.
Hơn nữa cần nâng cao ý thức bảo vệ làn da, ngăn ngừa lão hóa. Trước khi tình trạng sạm nám da trở nên trầm trọng và khó điều trị hơn.
Qua 3 bài viết về chủ đề “Nám và những điều cần biết”, hy vọng mọi người có được cái nhìn tổng quát về nám da và các phương pháp thường dùng trong điều tri nám. Đồng thời, biết được các biện pháp bảo vệ da khỏi các tác nhân gây ảnh hưởng xấu cho da.
>>> Xem lại: phần 1 & phần 2